“ÁO DÀI” – CÂU CHUYỆN CŨNG DÀI
Cảm ơn mọi người đã đến với bài viết của mình, thực sự mình diễn đạt văn từ không được hay và chính xác nhưng vẫn sẽ cố gắng giải thích chủ đề vốn hết sức phức tạp này để tránh tình trạng nhầm lẫn trong số đông mọi người như hiện nay. Đồng thời, do khuôn khổ bài viết dài và nhiều tư liệu hình ảnh nên mình sẽ phân chia ra thành nhiều phần để mọi người tiện theo dõi hơn.
Phần 1: “KHÁI NIỆM” CHÂN NGÔN
Đây là vấn đề rất “gì đó” và “này nọ” khi bàn về “Áo dài”. Trong lịch sử phát triển của trang phục Việt Nam, “Áo dài” hình thành và phát triển trong một giai đoạn lịch sử bất ổn định và nhiều biến động kể cả về văn hóa và lịch sử dân tộc. Những biến thiên và gián đoạn trong quá trình phát triển chữ viết, chuyển đổi từ việc sử dụng chữ Hán – Nôm sang chữ Quốc Ngữ (Latin) đã khiến việc phân tích “Áo dài” càng dễ gây nhầm lẫn và hiểu lầm kéo dài trong nhiều năm qua. Vì vậy, phần đầu tiên trong bài viết, mình sẽ thống kê và phân tích một số khái niệm liên quan trước để mọi người có thể tiện theo dõi và nhanh chóng nắm rõ vấn đề.
1. “Trường/tràng bào” (長袍) (Các khái niệm đồng nghĩa: Trường/tràng y, áo, sam…): Khác với nhiều người Việt Nam (và cả Trung Quốc) mặc định, đây thực tế không đơn thuần là khái niệm dùng để chỉ “loại áo dùng cho nam giới thời Mãn Thanh”, “Trường bào” và các khái niệm đồng nghĩa của nó vốn dùng để chỉ loại áo có vạt dài che chân (có thể kín đến gót hoặc không) phân biệt với các loại áo vạt ngắn trong lịch sử trang phục Trung Hoa từ khi văn minh Hoa Hạ bắt đầu sử dụng loại áo liền vạt có độ dài lớn (ví dụ: Thâm y –Hán). “Trường bào” không phân biệt dạng thức may, tức là viên lĩnh, giao lĩnh, thụ lĩnh,… và mây mây các loại áo nếu có vạt dài thì đều có thể hiểu là áo “Trường bào”.
2. “Áo Trường/tràng vạt”:
Theo “Ngàn năm áo mũ” của anh Trần Quang Đức, tác giả định nghĩa: “Giao lĩnh: cũng gọi là trực lĩnh, trường lĩnh, nôm na gọi là áo tràng vạt, chỉ loại áo cổ bắt chéo trước ngực, như loại áo tràng của các nhà sư chúng ta vẫn thấy hiện nay.” (NNAM-tr.384)
Cách hiểu này không sai, nhưng về cơ bản chưa đủ và đúng, nếu cắt nghĩa của từ thì “trường/tràng vạt” vốn cùng nghĩa với “trường/tràng bào” đều chỉ các loại áo (không kể dạng thức) có vạt dài. Chính vì vậy, ngay trong NNAM, tác giả vẫn sử dụng khái niệm theo cách “dạng thức áo – tràng vạt” (ví dụ: “giao lĩnh – tràng vạt”) (Từ đây, khi dùng khái niệm “tràng vạt” xin mọi người ngầm hiểu là có thể thay thế bằng “trường bào”)
3. “Ngũ thân”: Loại áo có nguồn gốc từ Trung Quốc được may bằng cách ráp liền 5 thân vải, có thể có vạt ngắn hoặc dài. (thân áo như thế nào mình sẽ giới thiệu sau).
4. “Áo tấc”: Áo ngũ thân tràng vạt, cổ đứng với tay áo thụng thời Nguyễn.
5. “Áo ngũ thân tay tay chẽn”: Áo ngũ thân tràng vạt có phần tay nhỏ và bó sát cánh tay.
6. “Áo dài tân thời”: Loại áo cách tân từ áo ngũ thân Nguyễn xuất hiện từ khoản những năm 20,30 của thế kỉ 20 và chưa có định hình cụ thể trong quy ước may mặc, thường có vạt áo trước sau dài và dần mất hẳn kết cấu áo ngũ thân Nguyễn trước đây. Từ đây gọi ngắn gọn là “Áo dài”.
7. “Kỳ bào” (旗袍): Dạng áo ngũ thân của người Mãn Châu (Kỳ Bào = Qipao; dân sự và quân sự Mãn Châu được phân bổ thành các “Kỳ” – Mãn Châu Bát Kỳ). Đây là loại áo kết cấu ngũ thân của người Mãn có cả vạt ngắn và dài, xuất hiện ở Trung Quốc sau khi người Mãn Châu nhập quan vào thế kỉ 15 và thống trị Trung Hoa.
8. “Kỳ bào vạt dài (trường bào)”: Từ khoảng thế kỉ 17, người Trung Quốc đã gần như mặc định hóa loại áo kì bào có vạt dài bằng tên gọi “Trường bào, trường sam” và kéo dài cho đến ngày nay. Tuy nhiên, để tránh nhầm lẫn trong quá trình phân tích, xin viết trực tiếp là áo “Kì bào vạt dài” (dùng tương đương với “Áo Trường Bào” thời Thanh Mạt, khác với khái niệm “Trường bào” ở Điểm 1).
9. “Sườn xám”: Về nguyên bản, đây là âm địa phương nói trại đi của từ “Trường Sam (Trường bào)” – Kỳ bào vạt dài. Vốn là áo cả nam và nữ dưới thời Thanh mạt đều sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của trang phục Trung Quốc, đến đầu những năm 20 của thế kỉ 20, sau quá trình cải cách Kì bào vạt dài ở Thượng Hải, đã cho ra đời một loại áo vẫn được gọi là “Sườn xám” nhưng với kết cấu may hoàn toàn khác với áo Kỳ bào vạt dài và chỉ dành phụ nữ. Từ đây “Sườn xám” dần được người ta gọi với ý nghĩa là danh từ riêng chỉ loại áo mới này cho đến tận ngày hôm nay. Mặc dù hiện nay nhiều người Trung Quốc vẫn gọi loại áo mới này là “Kỳ bào”, nhưng trên thực tế nó đã không thuộc phạm vi cách tân của áo gốc (Thay đổi hoàn toàn áo gốc), đồng thời xác định đây là loại trang phục tân thời, chưa có định hình cụ thể và quy ước may mặc như trang phục cổ.
Trên đây là vài phân loại khái niệm để tránh mọi người bị “Tẩu hỏa nhập ma” khi bắt đầu bước vào lịch sử phát triển của “Áo dài” Việt Nam và đối chiếu so sánh với “Sườn xám” Trung Quốc. Mong mọi người đọc kĩ và có thắc mắc cứ để ở dưới comment để mình hồi đáp trực tiếp. Đồng thời nếu có gì thiếu sót, mong mọi người bổ sung để mình rà soát và chỉnh sửa lại cho đúng.!.
Nguồn :Quan Gia