Phong cách Bohemian mà chúng ta biết đến ngày nay, có thể được xem như là một “gốc tích” của đế chế Bohemia hưng thịnh trong lịch sử. Ranh giới sắc tộc của Bohemia chỉ được lưu giữ bằng khái niệm “tinh thần”, “di truyền” trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, những cảm hứng về nhận thức tự do, lối sống phóng túng và lãng mạncủa dân tộc Bohemia, thực sự có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống thẩm mỹ của xã hội hiện đại trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thời trang, nội thất, kiến trúc, âm nhạc, nghệ thuật.
1. Nguồn gốc
Bohemian hay gọi tắt là Boho, là thuật ngữ để chỉ phong cách đặc trưng của cộng đồng người Bohemia, thuộc vương quốc Bohemia trong quá khứ. The kingdom of Bohemia – Đế chế Bohemia, có lãnh thổ nằm ở khu vực Tây Âu, ngày nay đã phân rã thành một phần của cộng hoà Séc, Đức và Ba Lan. Nguồn gốc lịch sử này dần bị lãng quên sau sự tan rã của Thánh Chế La Mã kể từ năm 1867. Tuy nhiên, khái niệm về Bohemia và địa vị chính thức của vương quốc Bohemia vẫn được lưu giữ ngay trong lòng Đế chế Áo – Hung cho đến năm 1918.
Phổ biến trong nhiều cách gọi, từ phong cách Bohemian (viết tắt là Boho) hoặc Gypsy (Bohemian – Pháp), hay trong tiếng Việt được phiên dịch là phong cách du mục, ám chỉ lối sống lang thang của những cư dân Bohotrong suốt nhiều thể kỷ. Họ dịch chuyển và rong ruổi khắp Châu Âu, không nhà cửa và không quê hương. Họ sống hoà nhập với thiên nhiên, hết mình với hiện tại, giữ gìn bản chất cá nhân, không chịu sự ràng buột của xã hội và đạo lý sáo rỗng. Chính vì lối sống ngông và “xa rời” thực tại như thế, những con người này lại trở thành niềm mong ước của các cộng đồng khác, những người muốn được trải nghiệm phần nào cái “niềm vui sống” đó.
Bohemian đã trở thành thuật ngữ chuyên ngành dùng để mô tả một phong cách (thay vì chỉ là một trào lưu hay xu hướng) trong lĩnh vực thời trang. Tuy nhiên, sự du nhập này kéo dài và thịnh hành theo từng giai đoạn, khiến không ít người có sự nhìn nhận chưa rõ ràng giữa Hippy, Gypsy và Boho, thậm chí còn lẫn lộn với Bobo hay Chola. Điều này bắt nguồn từ việc các “thuần” Bohemian đã “đánh mất” chính họ, kể từ khi những ngườiRomani (hay còn gọi là người Digan hoặc Gypsy) di chuyển về Tây Âu thông qua Bohemia. Trong đó, thuật ngữ “Gypsy” trong tiếng Anh hay “Gipsy” trong tiếng Pháp, là cách gọi rút ngắn của từ “Egyptian” (Ai Cập), cho thấy ngay từ đầu vốn đã có sự nhầm lẫn về gốc gác của tộc người Bohemia- Romani. Nói về điều này, chủ nghĩa Bohemian xuất phát một cách tự nhiên từ tính thẩm mỹ và nguồn gốc dân tộc, thay vì Hippy – là sự bất đồng với quan điểm chính trị hay hình thái xã hội.
2. Đặc trưng
Nhóm phong cách văn hoá Boho (hay chủ nghĩa Bohemian) mang đặc tính cảm hứng và lãng mạn, tập trung bởi những người trẻ khá giả, thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội. Bohemian là một phong cách ăn mặc “buông thả” khỏi những nguyên tắc và bố cục thông thường. Sự chuyển động nhẹ nhàng, thướt tha của những bộ trang phục mềm mại và nữ tính; cũng như âm thanh của các “lớp” phụ kiện khi di chuyển; là đặc trưng của phong cách Bohemian. Tuy nhiên, một Bohemian “đích thực” không phải là những cô nàng treo tất cả trang sức hay chồng lớp các loại trang phục màu sắc hoa hoè lên người. Mà đó là một sự tối giản và hoà hợp, trong bản chất cầu kỳ sẵn có của một tư tưởng tìm kiếm tự do và sự thoả mãn về tinh thần.
Các Bohemian theo đuổi sự phóng túng của lối sống chuyển dịch. Phối nhiều lớp (layering) là không thể thiếu đối với Boho. Bên cạnh đó, họ chọn cho mình hoa văn batik, hoạ tiết thổ dân, những chiếc băng đô đan tết, trang sức tóc (Indian Headbands), áo/váy Tunic hay Maxi, Poncho, sandal chiến binh, mũ rộng vành,… và các món phụ kiện kim loại, hạt gỗ, cườm, đá màu sắc rực rỡ.
3. Tính phổ biến
Cùng với sự nổi lên của trào lưu Hippy, phong cách Bohemian trở thành xu hướng thời trang và lối sống của hàng loạt thành niên Mỹ vào những năm cuối thập niên 60 và 70. Phong cách Boho hoà mình vào văn hoá đường phố, và cả bản sắc tinh thần mang tính “nổi loạn” kiểu Mỹ, bắt đầu “xôn xao” trở lại từ những năm đầu thế kỷ XXI. Ngày nay, trên khắp thế giới, phong cách Bohemian có thể được xem như một “loại hình thẩm mỹ”, mang lại cảm hứng và phác thảo ý tưởng, phục vụ cho nhiều lĩnh vực và khía cạnh đời sống khác nhau.
Tại Việt Nam, phong cách Bohemian du nhập sớm nhất từ khoảng năm 2006. Các tín đồ thời trang trong nước hẳn đã bắt gặp những thuật ngữ được gọi tên hơi chệch đi (có lẻ là theo lối phát âm tiếng Việt) như “Bohemieng” hay “Bôhêmiêng”, và dường như vẫn còn tồn tại đến thời điểm này. Tuy nhiên, phong cách Bohemian chỉ thực sự nổi lên tại Việt Nam trong giai đoạn 2008 – 2011, khi mà các nhà thiết kế thời trang quốc tế thay phiên nhau bày tỏ sự mến mộ của mình, đối với đời sống chuyển động của những người di cư, du mục.
Không những thế, xu hướng Bohemian đã một lần nữa trở lại kể từ năm 2014 đến nay, càng nhấn mạnh sự quyến rũ sâu sắc của phong cách Bohemian. Dưới một lăng kính mới, sự cô đọng các màu sắc và gia tăng cường điệu đối với xu hướng tối giản, Boho dần xoá nhoà những ranh giới của các mặc định phong cách.
4. Nhãn hiệu
Sức hút của phong cách Bohemian thực sự không thể cưỡng nổi, đặc biệt là trong giới thời trang nhiều “rung cảm”và bản chất sáng tạo không giới hạn. Các nhãn hiệu thời trang quốc tế, chịu sự tác động bởi “quốc tích” của Bohemia có thể kể đến như: Roberto Cavalli, Chloé, Anna Sui, Givenchy, Donna Karan, Alberta Ferretti, Etro, Free People, Nine West, Tory Burch, Urban Outfitters, Roe Ethridge, Maria Rosa Mulher,…