fbpx
DESIGNLIFE

Chuyên bán và cho thuê các loại áo dài đẹp tại TPHCM

Trước khi có ÁO DÀI người Việt mặc gì?”

Đây có lẽ là thắc mắc của đông đảo mọi người hiện nay. Vậy nên Nam Phong viện sẽ giúp mọi người giải đáp thắc mắc này. Chào mừng mọi người đến với Nam Phong viện và Series “Trước khi có áo dài tân thời, người Việt mặc gì?”. Hôm nay, viện ta sẽ giới thiệu đến mọi người một loại áo vô cùng quen thuộc trong văn hoá Á Đông – Áo giao lĩnh. Hy vọng bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu hơn về loại áo này cũng như vị thế của nó trong hệ thống Việt cổ phục, từ đó ngày càng thêm yêu cổ phục nước nhà

I. Khái niệm áo GIAO LĨNH – 交領.
Giao Lĩnh ( 交領), hay giao nhẫm (交衽) là một phong cách y phục tồn tại phổ
biến trong xuyên suốt lịch sử y phục nhân loại. Theo nghĩa hẹp, đây là cụm từ bắt nguồn từ Trung Quốc, dùng để chỉ một loại y phục tồn tại trong các nước đồng văn đông á, bao gồm Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Lưu Cầu… Kiểu thức giao lĩnh bao gồm một dạng áo chia 2 vạt ở phía trước, trong đó một vạt trước sẽ nằm đè lên vạt còn lại, tạo thành kiểu cổ xếp dạng chữ Y điển hình, vạt trước sẽ là vạt cả( tức ngoại khâm- 外襟), phần vạt bị che là vạt con( tức nội khâm- 內襟). Trong kiểu thức giao lĩnh có hai phương pháp mặc, nếu buộc vạt trái chồng lên vạt phải thì là giao lĩnh tả nhẫm (交領左衽) hoặc buộc vạt phải trồng lên vạt trái, gọi là Giao lĩnh hữu nhẫm (交領右衽) Trong đó hình thức giao lĩnh hữu nhẫm được xem kiểu thức y phục chuẩn mực và đặc trưng phổ biến nhất trong vùng văn hóa chữ Hán. Kiểu áo này bắt đầu được phổ dụng và ghi chép lần đầu vào thời nhà Chu và Xuân Thu- Chiến Quốc – giai đoạn bắt đầu định hình nên hệ thống chính trị, lễ nghi, xã hội trung hoa và dần được xem là trang phục quy chuẩn của dân tộc Hoa Hạ. Ngược lại, những kiểu áo giao lĩnh tả nhẫm dần thoát li khỏi xã hội trung hoa và được xem là phục pháp của chủng man di. 

Trong “Luận ngữ”, chép rằng Khổng tử từng nói:”Quản Trọng làm tể tướng cho Tề Hoàn Công, giúp ông ta làm bá chủ chư hầu,khiến cho thiên hạ thái bình, đời nay dân chúng vẫn còn chịu ơn. Nếu không có Quản Trọng, sợ rằng hôm nay dân ta phải mặt áo vạt trái, thả tóc rối xõa”《管仲相桓公,霸诸侯,一匡天下,民到于今受其赐,微管仲,吾其被发左衽矣》cho thấy một quan niệm phân định rõ trong việc phân biệt giữa hai thức cách mặc, điều này cũng được đề cập trong quan niệm đạo gia, việc mặc áo vạt trái (Giao lĩnh tả nhẫm) thường chỉ được mặc cho y phục của tử thi nhằm phân biệt với kiểu thức y phục của dương gian( tuy nhiên có vài ngoại lệ trong một vài giai đoạn của trung hoa sau thời Chu vẫn sử dụng giao lĩnh tả nhẫm trong khối đồng văn), những niềm tin và quan niệm này cũng được tiếp thu bởi các nước đồng văn, bao gồm cả quy định mặc giao lĩnh hữu nhẫm và cấm kị trong việc mặc áo sai vạt Giao Lĩnh hữu nhẫm còn được xem là nền tảng cho sự phát triển của các hình thức y phục Trung Quốc khác như Viên lĩnh, Phương lĩnh,Trực lĩnh…..

II. Những ghi chép về áo giao lĩnh trong lịch sử Việt Nam
1. Áo giao lĩnh trong cung đình
Qua khảo sát, chúng tôi đã ghi nhận sự xuất hiện của áo giao lĩnh dưới thời Trần, qua chi tiết được viết trong Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển VI – Kỷ nhà Trần: Anh Tông Hoàng đế. Mùa đông, tháng 10, năm Giáp Dần, niên hiệu Đại Khánh năm thứ 1 (tức năm 1314), sau khi Ninh Hoàng (chỉ vua Trần Minh Tông) nhận nhường ngôi, sứ Nguyên sang, làm lễ đọc quốc thư xong, hôm sau ban yến. Vua mặc áo giao lĩnh màu vàng bằng là, đội mũ, thắt dây thảo, sứ giả khen vua là “thanh thoát như thần tiên”
– Nguyên văn: 甲 寅 二 十 二 年 三 月 以 後 大 慶 年 元 延 祐 元年… 冬 十 月… 帝 既 受 禪 元 使 至 開 讀 國 書 禮 畢 次 日 賜 宴 之 曰 飄 飄 若 神 僊 中 人
*Nguồn tài liệu: Bản in Nội các quan bản – Mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Dịch và chú thích: Hoàng Văn Lâu, Hiệu đính: Giáo sư Hà Văn Tấn (1998), Đại Việt sử ký toàn thư tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.99. Ngoài ra, bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ có niên đại vào thế kỷ XIV được trưng bày tại Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc) cũng đã khắc họa hình ảnh Trúc Lâm đại sĩ
cùng các đồ đệ và tùy tùng của ngài mặc áo giao lĩnh.Qua hai nguồn tư liệu ở trên, chúng tôi nhận thấy tính phổ biến của kiểu áo giao lĩnh trong xã hội, nó không chỉ là tiện phục của hoàng đế, bá quan mà còn là trang phục mặc hàng ngày của dân thường, của nhà sư. Bước sang thời Hậu Lê, mặc dù trong quy chế trang phục cung đình không đề cập đến áo giao lĩnh nhưng thay vào đó là hệ thống tranh vẽ và tượng có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII đều có bóng dáng của kiểu áo này, có thể kể đến:

+ Tượng quan hầu tại lăng các vua Lê sơ ở Lam Kinh (Thanh Hóa) có niên đại trong thế kỷ XV
+ Tranh vẽ chân dung của 1 số nhân vật lịch sử sống trong thế kỷ XVII – XVIII (Vũ Công Chấn, Nguyễn Quán Nho, Nguyễn Quý Đức,…).

+ Tranh vẽ do họa sĩ nước ngoài thực hiện (các bức vẽ người Giao Chỉ, người Quảng Nam trong The Boxer Codex – cuối thế kỷ XVI; các bức vẽ liên quan vua Lê – chúa Trịnh và quan lại Đàng Ngoài trong A Description of the Kingdom of Tonqueen – Samuel Baron, 1685; các bức vẽ An Nam quốc di nhân, An Nam quốc di phụ trong Hoàng Thanh Chức cống đồ – giữa thế kỷ XVIII;…)

+ Tượng của 1 số nhân vật có thân phận cao quý như tượng chúa Trịnh tại chùa Kim Liên (Hà Nội), tượng hoàng tử Lê Đình Tứ tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), tượng Vũ Miên tại nhà thờ dòng họ Vũ (Bắc Ninh), tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh),…

Đến thời Nguyễn, căn cứ vào những ghi chép trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ – Quyển 78 do Nội các triều Nguyễn biên soạn trong nửa đầu thế kỷ XIX và hệ thống ảnh chụp vua, quan triều Nguyễn vào nửa sau thế kỷ XIX đã giúp chúng tôi đi đến kết luận:

-Thứ nhất, áo giao lĩnh được dùng làm Lễ phục của Hoàng đế, bá quan (đó chính là hình dáng của áo Cổn trong ảnh chụp vua Khải Định, vương công, quan viên trong lễ tế Giao).

-Thứ hai, áo giao lĩnh còn là Thường phục (được thêu thêm bổ tử) của các quan văn võ (thường đi kèm với mũ Văn công, mũ Đông pha, mũ Văn Tú tài đối với quan văn và mũ Hổ đầu, mũ Xuân thu, mũ Văn Tú tài – đối với quan võ)

2. Giao lĩnh trong dân gian.
Là một trong những trang phục lâu đời trong lịch sử Việt Nam, giao lĩnh không chỉ có mặt trong đời sống cung đình, mà còn là loại phục trang phổ biến trong dân gian. Ở hai triều đại Lý Trần (1009-1400) tuy có sự hạn chế về tư liệu và hiện vật nhưng ta vẫn có thể thấy loại thức trang phục này xuất hiện trong dân gian. Một số hiện vật là tượng người bằng gốm có niên đại thời Lý Trần được tìm ở Hà Nội, hiện đang lưu giữ trong BTLSQG, trong đó có giao lĩnh. Ngoài ra, trong bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ được cho là vẽ vào thời Trần, có xuất hiện những người trong đoàn rước Phật Hoàng mặc giao lĩnh. Mặc dù bức tranh này còn gây tranh cãi về niên đại và người sáng tác, song cũng là một bằng chứng về sự xuất hiện của loại thức trang phục này. Đến thời Hậu Lê (1428-1789) hiện vật và ghi chép về giao lĩnh trong dân gian xuất hiện nhiều hơn. Về ghi chép Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi chép về sự kiện triều đình chúa Trịnh quy định y phục cho vùng Thuận Hóa :” Mùa xuân năm Bính Dần, đặt trấn phủ Nha môn ở Thuận Hóa. Bắt đầu từ tháng 7, tuyên dụ rõ rằng: Y phục bản quốc (Y phục tiều Lê – Trịnh) có chế độ riêng, địa phương này trước đây cũng tuân theo quốc tục. Nay cung vâng Thượng đức, dẹp yên biên phương, trong ngoài thống nhất, chính trị và phong tục cũng nên như một. Các loại quần áo kiểu Khách (kiểu Trung Quốc) còn thấy phải đôi theo
quy chế quốc tục (…) Đàn ông, đàn bà mặc áo trực lĩnh ngắn tay (tức áo giao lĩnh), ống tay áo rộng hẹp cho được tùy tiện . Áo thì từ hai bên nách trở xuống đều nên may khép lại, không được để mở, không được chiết eo. Riêng đàn ông nếu muốn mặc áo cổ tròn hẹp tay để tiện làm việc cũng được. Lễ phục dùng áo trực lĩnh ống tay dài, hoặc may bằng vải Thanh Cát, hoặc vải thâm, hoặc vải
trắng tùy nghi “Trong Gia Định thành thông chí , Trịnh Hoài Đức cho biết trước năm 1744 khi chúa Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh cải cách y phục thì người Việt tại Gia Định :” vẫn tuân theo tập tục cũ của Giao Chỉ, người dân xõa tóc đi chân
đất, nam nữ đều dùng áo trực lĩnh ngắn tay, áo may khép lại hai bên nách, không có quần, đàn ông dùng một khổ vải quấn quanh eo, đến dưới mông thì bó lại thắt vào vùng rốn, gọi là cái khố, đàn bà có loại váy quây không gấp nếp, đội nón lớn” Trong cuốn Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị Đàng Ngoài Jerome Richard miêu tả người Việt Đàng Ngoài năm 1778:” Những người phụ nữ nói
chung ăn mặc khá khiêm nhã. Họ mặc một chiếc váy dài và một hoặc nhiều áo cùng kiểu như của nam giới nhưng chúng ngắn hơn. Họ buộc quanh ngực một chiếc yếm là một mảnh vải hoặc lụa có hình trái tim, dùng để làm đẹp cho họ
(…) những người giàu hoặc có phẩm tước mặc đồ lót cực rộng và dài, áo ngủ có tay hẹp và ngắn cùng kiểu với áo dài bên trong và bên ngoài của họ (…) quần áo của dân Đàng Ngoài đa dạng về màu sắc . Thông thường nhất là màu trắng. Có nghĩa là màu sắc tự nhiên của lụa hoặc vải. Màu đen phù hợp với những người được trọng vọng nhất” Trong Thanh triều văn hiến thông khảo mô tả người Việt
:”Đàn ông đàn bà đều xóa tóc đi đất. Quần áo hoặc bằng vải hoặc bằng lụa,phần lớn dùng sắc trắng. Đàn ông dùng vải thắt lưng, sau đó luồn xuống dưới mông trở ra phía trước thắt bọc lại. Đàn bà dùng vải lụa che ngực” Ngoài ra, hiện vật tranh vẽ của thời kỳ này cũng còn rất nhiều, từ đó ta có thể đối chứng sự phổ biến của loại trang phục này. Bức Giảng học đồ vẽ thời Lê Trung Hưng miêu tả một trường học (Trưng bày tại BTLSQG), bức Võ quan vinh quy đồ và Văn quan vinh quy đồ (Trưng bày ở BTMTVN) nhiều nhân vật trong đó mặc áo giao lĩnh, từ nho sinh, phụ nữ, hay trẻ em. Các bức tranh khác do người nước ngoài vẽ người Việt Nam. Bộ Hoàng Thanh chức cống đồ, trong đó có vẽ nam nữ giới thời Lê mặc áo giao lĩnh. Hay trong bức Châu Ấn hải thuyền của thương nhân người Nhật vẽ lại khung cảnh Đàng Trong, trong đó cũng xuất hiện rất nhiều giao lĩnh. Trong bức Vạn quốc nhân vật đồ (1645) cũng của người Nhật, người đàn ông cũng mặc áo giao lĩnh. Tranh vẽ người Đàng Ngoài và Đàng Trong trong cuốn Boxer Codex (1590), tranh vẽ người Giao Chỉ trong Hải ngoại chư đảo đồ thuyết mặc giao lĩnh …Và không thể không kể đến hệ thống tượng ở thời kỳ này. Các pho tượng 18 vị La Hán ở chùa Tây Phương, nhiều vị được mặc áo giao lĩnh. Sang đến thời nhà Nguyễn (1802-1945), người dân dần sử dụng nhiều áo lập lĩnh hơn, cũng vì các lệnh từ triều đình trung ương, giao lĩnh gắn bổ tử trở thành trang phục thiết triều. Tuy nhiên áo giao lĩnh vẫn tồn tại.Giao lĩnh trong dân gian phổ biến hơn cả ở miền Bắc. Theo ảnh chụp của người Pháp thì các bậc kỳ lão vẫn mặc giao lĩnh. Trong bức tranh Mẹ tôi (quên tên họa sĩ) có vẽ một người phụ nữ mặc giao lĩnh. Ở miền bắc, người ta tuy mặc áo lập lĩnh, nhưng không cài cúc cổ mà để hở một chút cho giống giao lĩnh.

3. Kết luận
Áo giao lĩnh trong văn hóa Hoa Hạ vô cùng phổ biến. Vừa là lễ phục trang trọng trong cung đình, vừa là thường phục của tất cả mọi người bất kể vua quan hay dân thường. Có thể nói, áo giao lĩnh đã luôn tồn tại song hành với người dân, trở thành nét đặc trưng riêng biệt của nền văn hóa Hán tự, khác biệt với cácnền văn hóa khác, là biểu tượng cho nét đẹp, lễ nghi của người Á Đông. Ở Việt Nam, giao lĩnh đã sớm được ghi nhận trong hệ thống tranh tượng và văn bản ghi chép xuyên suốt các triều đại, trở thành một loại phục trang quen thuộc của người Việt, được người Việt biến tấu phù hợp với sinh hoạt và điện kiện tự nhiên của đất nước. Ví dụ như ống tay rộng thoáng khí, giao lĩnh ngũ thân thời Nguyễn, cổ rộng, buộc lỏng dây, lộ yếm(thời Lê)… đồng thời kết hợp với những phong tục cổ của Việt Nam như nhuộm răng, xõa tóc ,… và các loại mũ đặc trưng như bình đính, đinh tự,… tạo nên được những nét tiểu dị vô cùng đặc sắc, phân biệt với giao lĩnh các nước còn lại trong khối đồng văn. Dưới thời Nguyễn, mặc dù dạng áo lập lĩnh chiếm ưu thế nhưng áo giao lĩnh vẫn còn được sử dụng trong lễ phục cung đình. Thậm chí, người Bắc Hà còn biến tấu cách mặc chiếc ngũ thân lập lĩnh cho giống chiếc áo giao lĩnh. Vậy mới nói, sức ảnh hưởng của áo giao lĩnh lén người Việt là hết sức to lớn, tồn tại trong ký ức của mỗi thế hệ người Việt. Áo giao lĩnh bị mai một dần dưới thời Nguyễn, chỉ tồn tại trong quan phục và xuất hiện thưa thớt ở Bắc Hà, và dần biến mất từ thời Pháp thuộc khiến suốt thời kỳ đó tới gần đây, mọi người dần trở nên xa lạ với chính loại áo này, thậm chí còn phủ nhận hoàn toàn loại áo này trong hệ thống phục trang của người Việt. Tuy nhien, áo giao lĩnh đang dần được các tổ chức và các bạn trẻnkhôi phục và dần đưa trở lại với vị thế của nó trong văn hóa Việt. Đồng hành cùng công cuộc đó, Nam Phong vien chúng tôi cũng góp một phần công sức nhỏ. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp mọi người hiểu hơn về loại áo này, cũng như thấy được sự đa dạng của phục trang cổ của người Việt, từ đó càng thêm yêu hơn văn hóa, bản sắc Việt, lan tỏa nó tới cộng đồng và bạn bè quốc tế về một nền văn hóa Việt đa dạng sắc màu.

Nguồn: Nam phong viện